Sáng sớm,ườiđànôngbánvésốluônchiaphầncơmnuôichúchóbầubạncùngmìcỏ 3 lá thấy người chủ của mình là ông Nguyễn Hồng Hận (52 tuổi, ở TP.Thủ Đức) cầm xấp vé số chuẩn bị đi bán, chú chó tên Nu đã nhảy tót lên xe. Người đàn ông liệt 2 chân nhích người lên xe, cùng chú chó 8 tháng tuổi rong ruổi khắp các quán cà phê ở TP.Thủ Đức bán vé số cho đến trưa.
Trên đường đi, những lúc mệt ông thường vuốt ve, xoa đầu chú chó rồi cười một mình. Về nhà trọ, ông đóng cửa không cho Nu ra ngoài, sợ bị người lạ bắt mất. Không có vợ con, quen sống một mình nên ông Hận không thấy cô đơn. Song, từ ngày có Nu về sống cùng, ông lại thấy cuộc sống của mình vui hơn.
"Hơn 20 năm kể từ ngày rời quê lên TP.HCM bán vé số, mấy tháng qua là khoảng thời gian tôi thấy vui nhất vì có Nu bầu bạn", người đàn quê H.Mỹ Xuyên, Sóc Trăng chia sẻ.
Hằng ngày, người đàn ông chấp nhận đến quán cơm giá rẻ cách nhà gần 2 km ăn cho tiết kiệm thay vì ăn quán gần nhà. Tuy nhiên, ông luôn sẵn sàng chia cho Nu hơn nửa phần ăn của mình.
Chị Nguyễn Thị Minh (43 tuổi), chủ quán cơm bình dân ông Hận thường ghé ăn cho biết trưa nào ông cùng chú chó cũng ghé đến. "Trong khi ông Hận ăn cơm thì con chó nằm dưới chân ngoan ngoãn, không đòi ăn và cũng hiếm khi sủa làm phiền người khác", chị Minh nói.
Thấy ông Hận sắp ăn xong, bà chủ quán chủ động múc chén cơm thêm đặt trên bàn. Khúc cá diêu hồng sốt cà thơm ngon, ông Hận chỉ ăn một góc nhỏ, còn lại bỏ vào hộp đem về nhà cho Nu.
"Ở nhà có cái tô riêng cho nó, ăn ở quán sợ làm phiền người khác", ông cho biết.
Hôm nào đi bán may mắn được nhà hảo tâm tặng cơm chay, ông để dành ăn, nhường hết phần cơm bình dân 25.000 đồng của mình cho chú chó. Người đàn ông cho biết nuôi Nu không tốn kém, chỉ sợ chú chó bị bệnh nên luôn chủ động phòng ngừa. Trước đây, mỗi ngày ông hút hết một gói thuốc lá. Nhưng vì muốn có tiền chích ngừa cho Nu, ông đã bỏ hẳn thói quen nhiều năm này của mình.
Mỗi tuần, ông tắm cho Nu 1 lần. Không cho chú chó chạy ra đường nghịch đất cát vì sợ mắc các bệnh về da hay lây bọ chét từ chó khác.
"Chó không chê chủ nghèo"
Ông Hận là con đầu lòng trong gia đình có 4 người con, khuyết tật 2 chân bẩm sinh. Thời trai trẻ, ông ở nhà phụ cha mẹ việc nhà. Ngoài 30 tuổi, ông lên TP.HCM học và làm nghề thủ công mỹ nghệ một thời gian. Vì thu nhập thấp và mắt yếu không nhìn rõ nên quyết định nghỉ để đi bán vé số.
Tự ti vì bản thân khiếm khuyết nên ông không lập gia đình, thuê trọ sống một mình. Lúc mới đi bán, ông di chuyển bằng cách trượt trên tấm ván, sau đó chuyển sang chiếc xe lắc. 5 năm trước, một doanh nghiệp ở quê tài trợ cho ông chiếc xe điện nên việc đi lại dễ dàng hơn. Mỗi ngày, ông bán được khoảng 250 tờ vé số. Tiền lời đủ trang trải cuộc sống ở thành phố, thỉnh thoảng để dành được chút ít, ông gửi về quê phụ các em của mình nuôi cha mẹ già.
Công việc phải đi ngoài đường nhiều, ông Hận thường nhìn thấy nhiều người bán chó con. Ông mong muốn nuôi một chú chó bầu bạn từ lâu nhưng không có tiền mua. Một ngày đầu năm nay, ông mở lời xin chó con từ một người bạn. Sau khi Nu – chú chó có bộ lông màu đen, vàng ra đời, người bạn mang đến tặng, rồi theo ông đi bán vé số từ đó.
Dù biết con chó ngoan, nghe lời chủ nhưng sợ ảnh hưởng đến người khác nên ông Hận luôn rọ mõm, xích Nu vào xe điện, tuyệt đối không thả rong. Hằng ngày, Nu cùng ông di chuyển đến các điểm bán trên chiếc xe điện. Đến quán, ông Hận đậu xe trước cửa rồi vào bên trong mời khách mua vé số. Trong khi ông bán, Nu nằm trên xe ngoan ngoãn, không sủa bậy.
8 tháng ở chung, chỉ có một lần ông Hận cho Nu ở nhà. Đó là khi mẹ của ông từ quê lên TP.HCM thăm nên nhờ mẹ giữ Nu giúp. Ông không biết có phải chú chó nhớ mình hay vì lý do gì mà khi ở nhà với mẹ lại rất quậy phá, đứng ngồi không yên. Từ đó, ông Hận không bao giờ dám nhờ ai giữ Nu. Dù đi bán có hôm trời nắng gắt, mưa lớn… ông cũng đều mang Nu theo cùng.
Đến nay, trong những cuộc điện thoại của ông gọi về gia đình, mẹ ông lúc nào cũng nhắc và hỏi thăm Nu có khoẻ không. Tuy Sóc Trăng cách TP.HCM không xa nhưng mỗi năm ông Hận chỉ về nhà 1 -2 lần vì sợ tốn kém. Dịp cuối năm, ông định dẫn theo Nu về quê ăn Tết sớm, sau đó quay lại TP.HCM bán vé số xuyên Tết để kiếm thêm thu nhập.
"Tôi không dám nói rằng mình thương Nu như con. Tôi không có vợ con nên không biết cảm giác chăm sóc một đứa trẻ như thế nào. Chỉ biết là tôi cười nhiều hơn, có nhiều phút giây đùa giỡn, thư giãn trong ngày với chú chó của mình", ông tâm sự.